Tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lịch sử phát triển

Đoài Dương là xã nội địa thuộc huyện biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Xã cách trung tâm huyện Trùng Khánh 10 km về phía Tây Nam, cách trung tâm tỉnh Cao Bằng 50 km về phía Đông Bắc.

Về vị trí địa lý: Phía đông giáp xã Cao Thăng, huyện Trùng Khánh và xã An Lạc, xã Kim Loan (huyện Hạ Lang); phía tây giáp xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa; phía nam giáp xã Quảng Hưng, xã Độc Lập (huyện Quảng Hòa); phía bắc giáp các xã Đức Hồng, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh.

 Xã Đoài Dương tiền thân là xã Vinh Quý, gồm các xã Đoài Côn, Thân Giáp, Thông Huề được chia tách vào năm 1964 và tái lập vào năm 2020. Đây là những vùng đất có lịch sử lâu đời của tỉnh Cao Bằng. Trải qua quá trình phát triển, địa danh, địa giới các khu vực trên có nhiều sự thay đổi.

Thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Đoài Dương ngày nay là phần đất thuộc bộ Vũ Định (một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang). Dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc (179 TCN - 938), thời nhà Hán, vùng đất Đoài Dương thuộc quận Giao Chỉ; dưới thời nhà Đường thuộc châu Tư Lang1. Thời Lý - Trần, Đoài Dương là phần đất châu Tư Lang và châu Quảng Uyên. Thời Minh thuộc đổi là châu Thượng Tư Lang.

Thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), vào năm Quang Thuận thứ 7 (1466), nước ta được chia thành 12 đạo thừa Tuyên2. Cao Bằng lúc đó gọi là phủ Bắc Bình thuộc thừa tuyên Thái Nguyên. Phủ Bắc Bình có 4 châu: Châu Thượng Lang, châu Thạch Lâm, châu Hạ Lang và châu Quảng Uyên3. Vùng đất Đoài Dương thuộc châu Quảng Uyên và Thượng Lang.

Đời vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504), năm Cảnh Thống thứ hai (1499), nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của miền đất Cao Bằng đối với vấn đề bảo vệ lãnh thổ, biên cương quốc gia Đại Việt, nhà Lê tách phủ Cao Bằng khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên, đặt riêng làm trấn Cao Bằng. Trấn Cao Bằng gồm 1 phủ (Cao Bằng), 4 châu (châu Thạch Lâm, châu Lộng Nguyên (Quảng Uyên), châu Thượng Lang, châu Hạ Lang. Vùng đất Đoài Dương ngày này thuộc châu Lộng Uyên và Thượng Lang.

Thời nhà Nguyễn, theo sách Tên làng xã Việt Nam đến đầu thế kỉ XIX, trấn Cao Bằng gồm 4 châu: Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang.

Châu Quảng Uyên có 5 tổng là Lực Nong, Lạc Giao, Vũ Lang, Cách Linh, Ngưỡng Đồng với 40 xã, thôn. Các xã Cảm Hảo, Mạn Đà, Tứ Mỹ của tổng Ngưỡng Đồng được xác định tương đương với địa giới xã Thông Huề sau này.

 Châu Thượng Lang có 4 tổng là Lăng Yên, Nga Ổ, Ỷ Cống, Dương Châu. Xã Đoài Côn, tổng Ỷ Cống có địa giới tương đương với xã Đoài Côn (cũ); xã Ỷ Cống (thuộc tổng Ỷ Cống) được xác định tương đương với địa giới xã Thân Giáp sau này.

Như vậy, dưới thời nhà Nguyễn: Xã Đoài Dương ngày nay tương đương với các xã Cảm Hảo, Mạn Đà, Tứ Mỹ của tổng Ngưỡng Đồng, châu Quảng Uyên và các xã Đoài Côn, Ỷ Cống của tổng Ỷ Cống, châu Thượng Lạng. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính rộng khắp, toàn diện trên cả nước, nhà Nguyễn quyết định “chia địa hạt các tỉnh Cao Bằng thống trị 1 phủ là Trùng Khánh; 4 châu là Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang và Thạch Lâm”. Đến tháng 3/1934, nhà Nguyễn cho đổi các châu (Thạch Lâm, Thượng Lang, Quảng Uyên thuộc Cao Bằng) thành các huyện. Vùng đất Đoài Dương ngày nay thuộc huyện Thượng Lang và huyện Quảng Uyên, phủ Trùng Khánh.

Cuối thế kỉ XIX, sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền trên cả nước. Năm 1893, Pháp hoàn thành việc thiết lập bộ máy thống trị từ tổng đến xã. Theo sách Danh mục các làng xã Bắc Kỳ của tác giả Ngô Vi Liễn xuất bản năm 1928: Thế kỉ XX, Cao Bằng có 1 phủ, 8 châu, 33 tổng, 230 xã. Vùng đất Đoài Dương ngày nay tương đương với các xã Cảm Hảo, Mạn Đà của tổng Ngưỡng Đồng, châu Quảng Uyên và các xã Đoài Côn, Tứ Mỹ, Ỷ Cống của tổng Ỷ Cống, châu Thượng Lang, phủ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng1…

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), các đơn vị cấp tổng và các phủ, đạo, châu bị bãi bỏ. Cấp trên xã và dưới huyện nhất loại gọi là huyện. Tỉnh Cao Bằng có 11 huyện: Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Phục Hòa, Hạ Lang, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Thông Nông. Trong thời gian này, địa danh một số xã của huyện Trùng Khánh cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh được đổi theo tên các chiến sĩ yêu nước, cách mạng của quê hương Cao Bằng. Trong đó, xã Đoài Côn được đổi tên thành xã Vinh Quý.

Từ năm 1947 đến năm 1950, xã Vinh Quý được mở rộng. Một số xóm như: Bản Khuông (xã Mạn Đà), Nà Ít, Nà Thềnh, Sộc Riêng, Nặm Dọi, Cốc Chia, Cốc Rầy, Bản Cưởm (xã Cảm Hảo); Nà Keo, Thua Phja (xã Tứ Mỹ) được sáp nhập vào xã Vinh Quý.

Tháng 3/1951, thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Vinh Quý được đổi tên thành Đoài Dương. Tên gọi Đoài Dương chính thức xuất hiện.

 Ngày 20/10/1964, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 273- NV. Theo quyết định này, các xóm của xã Đoài Dương được chia, tách để thành lập 3 xã: Thông Huề, Đoài Côn và Thân Giáp. Xã Thông Huề gồm 12 xóm: Phố Thông Huề, Bản Cưởm, Nặm Dọi, Cốc Rầy, Bản Khuông, Cốc Chia, Nà Thềnh, Sộc Riêng, Nà Ít, Nà Keo, Thua Phia, Nặm Thúm. Xã Đoài Côn gồm 9 xóm: Lũng Luông, Lũng Lo, Nà Quang, Pò Gài, Sộc Hoắc, Bản Lung, Tắp Ná, Pác Thàn, Lũng Rỳ. Xã Thân Giáp gồm 11 xóm: Ngườm Giang, Nà Noa, Thua khuông, Thông Lộc, Bản Mang, Nà Răn, Phò Chang, Luộc Tâu, Sộc Chăng, Khiềm Khát, Bản Coỏng.

 Ngày 09/9/2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc sáp nhập một số xóm thuộc ba xã Đoài Côn, Thân Giáp, Thông Huề. Trước khi sáp nhập, xã Thông Huề có diện tích 13,89 km², dân số là 1.927 người, mật độ dân số đạt 139 người/km², được chia thành 5 xóm: Phố Thông Huề, Bản Khuông - Cốc Chia, Cốc Rầy - Nặm Dọi, Đồng Liên, Nà Ít - Nà Keo.

Xã Đoài Côn có diện tích 17,63 km², dân số là 1.808 người, mật độ dân số đạt 103 người/km², có 5 xóm: Bản Lung, Lũng Luông - Lũng Rỳ, Tắp Ná, Trung Tâm, Vinh Quang.

Xã Thân Giáp có diện tích 21,51 km², dân số là 1.519 người, mật độ dân số đạt 71 người/km², có 4 xóm: Bản Coỏng, Đồng Nhất, Đồng Minh, Đồng Tiến.

 Ngày 10/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng. Theo đó, xã Đoài Dương được tái lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 3 xã: Thông Huề, Đoài Côn và Thân Giáp.