Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kinh tế - xã hội
Lượt xem: 139

Xã Đoài Dương sau khi sáp nhập có diện tích 53,03 km², dân số là 5.254 người, mật độ dân số đạt 99 người/km². Xã Đoài Dương được chia thành 14 xóm: Bản Coỏng, Bản Khuông - Cốc Chia, Bản Lung, Cốc Rầy - Nặm Dọi, Đồng Liên, Đồng Minh, Đồng Nhất, Đồng Tiến, Lũng Rỳ - Lũng Luông, Nà Ít - Nà Keo, Tắp Ná, xóm phố Thông Huề, Trung Tâm, Vinh Quang.

* Về giao thông:  Là xã cửa ngõ của huyện Trùng Khánh, tiếp giáp với huyện Quảng Hòa có tỉnh lộ 2026 đi qua nên việc đi lại ở Đoài Dương khá dễ dàng, thuận tiện. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm trên địa bàn xã từ đường trục tỉnh lộ 206 vào các thôn, xóm cơ ban đã được bê tông hóa; Là xã có chợ phiên nên rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.

* Về kinh tế: Từ xa xưa, người dân vùng đất Đoài Dương dựa vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác những thung lũng nhỏ hẹp dọc các con suối để trồng lúa nước và các loại cây hoa màu, làm thêm lúa nương để sinh sống. Đồng bào các dân tộc dựa vào điều kiện cư trú của mỗi tộc người gắn với từng vùng cảnh quan tự nhiên để tích lũy tri thức trong canh tác nông nghiệp cho phù hợp, nhằm tăng năng suất cây trồng. Cùng với trồng trọt, người dân chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, lợn, gà… Trong những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp của xã có xu hướng biến đổi mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày đa dạng, hướng đến những sản phẩm hàng hóa như thuốc lá, đậu tương, dưa chuột, mía, trâu, bò, dê…

 Là địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp nên từ xa xưa, nhân dân vùng đất Đoài Dương đã dựa vào rừng để khai thác các sản vật tự nhiên thông qua hoạt động săn bắt và hái lượm. Trên địa bàn xã (khu vực Thân Giáp cũ) có nhiều cánh rừng già với nhiều cây gỗ quý, trong đó có những cây gỗ nghiến tồn tại và sinh trưởng hàng trăm năm, giá trị kinh tế cao. Cũng từ rừng mà địa phương có nhiều cây thuốc quý như xạ quý, kim ngân, xà lạt. Ngày nay, khi nguồn tài nguyên rừng đang ngày càng suy giảm, người dân trong xã đã tận dụng tối đa diện tích rừng sẵn có để phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế. Trong đó, keo, mỡ, sa mộc, cây dẻ được xác định là cây trồng mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của xã, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở địa phương.

* Về tài nguyên khoáng sản: So với một số địa phương của huyện Trùng Khánh, xã Đoài Dương có lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản là quặng măng-gan và núi đá vôi. Quặng măng-gan và đá vôi tập trung chủ yếu ở xã Thông Huề và Đoài Côn cũ. Thông Huề (cũ) có mỏ quặng măng-gan với diện tích tương đối rộng, có nhiều trữ lượng quặng đạt chất lượng cao. Trước năm 1945, phát xít Nhật từng khai thác quặng ở Phja Ngần, Bản Khuông. Từ năm 1992, các mỏ này được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép khai thác. Ở Đoài Côn (cũ), ngoài diện tích măng-gan tập trung chủ yếu ở khu vực Pác Thàn, xã còn có khoảng 339 ha đá vôi, đây là nguồn cung cấp nguyên liệu xây dựng cho địa phương cũng như nhiều vùng lân cận.

*Về giáo dục: Trên địa bàn xã Đoài Dương hiện có 8 trường học gồm: Trường Trung học phổ thông Thông Huề, Trường Trung học cơ sở Thông Huề, Trường Tiểu học Thông Huề, Trường Tiểu học Đoài Côn, Trường Tiểu học Thân Giáp, Mầm non Thân Giáp, Trường Mầm non Thông Huề và Trường Mầm non Đoài Côn. Hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của con em địa phương.

* Về văn hóa, tín ngưỡng: Người dân Đoài Dương có đời sống văn nghệ dân gian đặc sắc với hát lượn, then của người Tày và hát lượn Hà Lều của người Nùng. Người Nùng ở xóm phố Thông Huề  ngày nay còn bảo lưu được loại hình nghệ thuật đặc sắc: Dá Hai, Tuồng Dá hai. Loại hình này bắt nguồn từ trò múa rối Mộc thầu hý (múa rối que) của người Choang di cư vào nước ta thế kỉ XVIII, khoảng năm 1730.

Đời sống tín ngưỡng của các dân tộc Đoài Dương nổi bật lên việc thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công và thần nông. Nơi đây còn có nhiều lễ, hội, trong đó điển hình là Lễ hội hoa đăng. Lễ hội được tổ chức tại miếu Long Vương - ngôi miếu rất linh thiêng trong tâm thức người dân phố Thông Huề và các vùng lân cận - nằm bên bờ sông Bắc Vọng, dưới chân núi "Ba cô tiên". Lễ hội được tổ chức vào giữa tháng 2 năm nhuận để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Việc thả hàng trăm chiếc hoa đăng làm lung linh cả một dòng sông Bắc Vọng với quan niệm truyền thuyết để lại người nào vớt được đèn sẽ gặp nhiều may mắn, phát tài, phát lộc là nét đặc sắc của lễ hội, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình lao động sản xuất, cộng đồng các dân tộc vùng đất Đoài Dương đã hình thành, vun đắp nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp. Những nét văn hóa đó không chỉ thể hiện sự đa dạng và phong phú trong bản sắc văn hóa địa phương mà còn là động lực góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương qua các thời kỳ lịch sử.

Tin liên quan